Giải pháp nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin phát triển kinh kế
Phụ nữ dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn trong lao động, việc làm, tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp nhằm hỗ trợ họ ngày càng tự tin phát huy những năng lực để phát triển sinh kế, khẳng định vị thế của mình trong gia đình cũng như trong xã hội là rất quan trọng.
Phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) là lực lượng lao động tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không ít chị em phụ nữ DTTS đã tận dụng tối đa lợi thế vùng miền, đặc trưng văn hóa, tri thức bản địa độc đáo trong phát triển khởi nghiệp, kinh doanh.
Tuy nhiên, phụ nữ DTTS cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và rào cản luôn tồn tại ở các vùng miền núi của Việt Nam như sự hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ tài chính, những định kiến giới, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao…
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc gia khu vực miền Trung – Tây nguyên “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo” do Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức, bà Bế Thị Hồng Vân – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc – Ủy ban Dân tộc – cho biết: Với tốc độ phát triển nhanh, nền kinh tế Việt Nam đang tạo nhiều cơ hội cho mọi người, bao gồm cả phụ nữ DTTS. Các ngành kinh tế mới như du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến đang phát triển mạnh. Đây là những lĩnh vực mà phụ nữ DTTS có thể tham gia và phát huy năng lực của mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng mở rộng hội nhập quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng. Phụ nữ DTTS có thể tận dụng lợi thế này để sản xuất và bán các sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm nông sản sang các thị trường trong nước và quốc tế.
Theo bà Bế Thị Hồng Vân, có nhiều lợi thế cạnh tranh với sản phẩm vùng DTTS. Chẳng hạn, khai thác tri thức địa phương, phát huy yếu tố văn hóa truyền thống trong phát triển sản phẩm là một cơ hội “vượt trội” của chị em phụ nữ vùng DTTS và miền núi so với các vùng khác.
“Tri thức địa phương trong trường hợp này được hiểu là những kiến thức liên quan đến sản xuất, sinh kế của cộng đồng có sẵn, tồn tại, được biết đến và được sử dụng bởi cộng đồng trong một khoảng thời gian dài. Sử dụng tri thức địa phương để khác biệt hóa sản phẩm, lựa chọn các chuỗi giá trị có yếu tố tri thức địa phương có thể nói là những yếu tố tạo nên sự thành công của các mô hình chuỗi giá trị ở vùng DTTS và miền núi.