Nghề làm muối bên cửa biển Đề Gi
Hơn 530 hộ dân ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát duy trì nghề muối truyền thống trên cánh đồng gần 60 ha cho sản lượng 3.000-4.000 tấn một năm.
Tháng 9, thời điểm thu hoạch vụ muối cuối cùng trong năm của diêm dân làng muối xã Cát Minh, huyện Phù Cát.
Làng muối nằm cách cầu Đề Gi 8 km – một trong những vựa muối chính, chiếm một phần ba sản lượng muối của tỉnh Bình Định.
Ông Phạm Đình Tâm (60 tuổi), diêm dân ở thôn Đức Phố nói không rõ nghề muối có ở địa phương từ khi nào. Nhưng gia đình ông đã làm muối từ thời ông cố rồi truyền qua các đời, nên làng muối ít nhất 100 năm tuổi. Trước đây, nghề muối gắn với nghề làm nước mắm Đề Gi phục vụ nhu cầu người dân khắp tỉnh. Những năm gần đây diêm dân luôn đối mặt thực trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa khiến số lượng lao động nghề muối giảm dần.
Một diêm dân dẫn nước vào ruộng muối. Các bước còn lại để cho ra mẻ muối gồm: phơi nắng, chờ muối kết tinh và dùng dụng cụ cào để gom muối lại.
Ông Phạm Minh Tâm, diêm dân làm 10 sào muối (mỗi sào 500 m2) cho biết, ông thường bơm trực tiếp từ nguồn nước mặn của giếng khoa ở độ sâu từ 30-40 m lên ruộng để làm muối. Bởi nồng độ mặn của nguồn nước mặn ngầm đạt 20-30%, cao hơn độ mặn chỉ khoảng 3,5% của nước biển.
Nước mặn sẽ được phơi dưới nắng, nắng càng to thì muối càng đẹp. Nếu không đủ nắng, các diêm dân phải bơm nước làm lại từ đầu.
Ảnh là người dân Cát Minh làm muối trên ruộng trải bạt.
Trang (cái cào bằng gỗ) là công cụ gắn bó với người dân trên đồng muối từ khâu vào nước đến khâu thu hoạch.Sau thời gian bốc hơi nước, lắng đọng thành muối, diêm dân dùng xe rùa để gom muối thành đống.
Ngoài ra, diêm dân còn dùng các rổ tre và các dụng cụ khác để xúc muối. Hiện giá muối từ 1.200 – 1.300 đồng một kg. “Giai đoạn đỉnh cao giá bán có thể gấp đôi, gấp ba mức này”, môt người dân nói.Do nghề muối nặng nhọc, làng muối Cát Minh chỉ còn những người già. Nghề muối chỉ làm trong những tháng nắng, mỗi năm người dân có thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng.