Cách Làm Nộm Sứa

Quà mùa hè đến từ biển cả

Hôm nay, hãy cùng Thật Là Ngon thực hiện cách làm món nộm sứa giòn sần sật nhé! Món ăn này không chỉ siêu siêu dễ làm, khiến bạn không thể buông đũa mà lại còn góp phần bảo vệ môi trường nữa đấy!

Nộm (gỏi) là một thực đơn kích thích vị giác vô cùng dễ làm, chống ngán hiệu quả và được rất nhiều người ưa chuộng. Có người gọi vui nộm là món tả pí lù, vì bạn có thể thêm bớt bất cứ nguyên liệu nào bạn muốn để làm ra món nộm cộp mác “made by me”!

Vào những ngày tháng Bảy tháng Tám, khi hè đang về cuối và biển lặng sóng, có một thứ thực phẩm được rất nhiều người chờ mong, đó là sứa biển. Cứ tầm quãng này thì nào là bún sứa, canh sứa, sứa cuốn,… cứ tà tà lên ngôi. Nhưng nộm sứa có lẽ là cái tên được gọi lên nhiều nhất, nhỉ?!

Nộm sứa vừa ngon vừa mát vừa bổ, lại dễ thực hiện, bảo sao không khiến các thực thần mê tít. Chỉ mất tầm nửa giờ hì hụi trong bếp là chúng mình đã có một đĩa nộm ngon lành để thưởng thức rồi.

Nào, lăn ngay vào bếp cùng Thật Là Ngon thôi!

Cách Làm Nộm Sứa

Nộm sứa mát giòn có thể ăn chơi, làm “mồi” nhậu hoặc dùng làm món khai vị cho các bữa tiệc tùng.
Chuẩn bị: 25 phút
Nấu: 15 phút
Tổng thời gian: 40 phút
Bữa ăn: Appetizer, Salad, Side Dish
Đặc sản: Việt Nam
Keyword: gỏi sứa, nộm sứa, sứa
Khẩu phần:  người 
Calories: 132kcal

Nguyên Liệu

  • 350 sứa
  • muối hạt
  • 1-2 thìa cà phê dầu mè
  • 1/4 thìa cà phê bột nêm
  • 100 g lạc (đậu phộng) rang
  • 25 g vừng (mè) trắng
  • 1 củ hành tây
  • 1 củ cà rốt
  • 1 quả dưa leo
  • 2 nhánh sả
  • 1 nắm lá chanh

Rau ăn kèm

  • Húng quế, tía tô, giá đỗ…

Nước trộn nộm

Hướng dẫn

Bước 1: Sơ chế sứa

  • Sứa mua về rửa sạch, cắt miếng nhỏ và ngâm rửa nhiều lần với nước muối bão hòa.
  • Sau khi sứa hết mặn và chuyển màu hồng/vàng nhạt thì vớt ra rửa qua với nước ấm rồi để ráo.
  • Ướp sứa với 1-2 thìa cà phê dầu mè và ¼ thìa cà phê bột nêm khoảng 10-15 phút.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu dùng kèm

  • Cà rốt, dưa leo, hành tây rửa sạch và bào mỏng. Lạc rang giã nhỏ.
  • Lá chanh và ớt rửa sạch, thái chỉ. Húng quế, tía tô, giá đỗ.. rửa sạch, để ráo.
  • Sả rửa sạch, tước chỉ, cho vào phi với dầu cho thơm giòn.

Bước 3: Pha nước trộn nộm

  • Cho nước mắm, đường, bột ngọt và nước cốt chanh vào bát khấy cho gia vị tan vào nhau. Sau đấy thêm tỏi và ớt băm vào trộn đều.

Bước 4: Hoàn thành món nộm sứa

  • Cho sứa và các nguyên liệu đã chuẩn bị vào âu, rưới mắm gỏi rồi trộn đều.
  • Bày lên đĩa, rắc lạc rang và vừng lên trên là món gỏi sứa đã sẵn sàng để thưởng thức.

Nutrition

Calories: 132kcal
Bạn thử chưa?Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!

Cách làm nộm sứa chi tiết

Bước 1: Sơ chế sứa

Sứa là loại thực phẩm ngon và rất mát nên được nhiều người ưa thích. Nhưng sứa có rất nhiều loại và không phải loại nào cũng ăn được. Vậy bên nếu không chọn kỹ và chế biến cẩn thận thì độc tố trong sứa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng chúng mình.

Muốn ăn sứa, người sành thường sẽ chờ đến cuối hè, quãng này vừa qua mùa sứa sinh sản. Tầm tháng 7 tháng 8, nắng trong biển lặng, nếu may mắn bạn còn có thể mua được sứa sen nữa.

cách làm nộm sứa

Trong những loại sứa ăn được thì sứa sen được xếp vào hàng “cực phẩm”. Không chỉ bởi nó ngon và lành tính nhất mà còn vì độ “hiếm”. Sứa sen năm có năm không, nếu có thì độ tuần, mười ngày là hết. Loại sứa này hay sống dọc biển miền Trung. Phải năm nào biển êm nắng ráo trời trong dài ngày mới mong có sứa sen.

Giờ nhiều siêu thị có bán sứa đã sơ chế sẵn, bạn mua về có thể chỉ rửa qua nước ấm, để ráo là làm nộm được ngay, rất tiện. Tuy nhiên để đảm bảo loại bỏ các hóa chất dùng trong quá trình sơ chế và bảo quản sứa đóng túi, bạn nên ngâm rửa sứa nhiều lần với chanh, dấm và muối trước khi sử dụng.

Bạn nào có điều kiện mua sứa tươi thì nên chọn những con có màu hồng nhạt, bề mặt trơn, không dính, thịt chắc và dày, ấn vào có độ đàn hồi, không bị tan nước.

Vào mùa hè, nhiều bạn đi biển thấy sứa dạt vào bờ thì hay mang về. Thật ra nếu bạn không thật sự biết phân biệt sứa độc và sứa ăn được thì điều này là không nên nhé. Sứa là loài có độc có thể gây chết người nên nếu muốn sử dung sứa tươi, để đảm bảo sức khỏe bạn hãy chọn mua ở những nguồn có uy tín.

Sứa tươi mua về thường được người bán sơ chế qua một lần để loại bỏ các độc tố. Tuy nhiên, nếu mua sứa nguyên con, bạn mổ các nang trâm ban của sứa để loại bỏ chất độc và rửa sạch cho hết nhớt rồi cắt sứa thành những miếng nhỏ vừa ăn.

cách làm nộm sứa

Để sứa vẫn mọng nước và giữ được độ giòn khi ăn nhưng không bị ngấm mặn thì bạn cần làm vài bước sơ chế. Có nhiều cách sơ chế sứa, thường thấy nhất khi tìm hiểu cách chế biến sứa là bạn ngâm rửa với nước muối phèn loãng nhiều lần (1-1,5 giờ/lần) hoặc sử dụng nước lá lăng, lá ổi hay nước củ nâu và vỏ sú vẹt.

Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm được các nguyên liệu này. Thế nên chúng mình có thể tham khảo theo phương pháp mà chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải chia sẻ đó là rửa sứa với nước muối.

Có một điều nghịch lý khá thú vị là nếu bạn rửa sứa với nước muối mặn càng nhiều thì sứa càng nhanh nhả mặn. Cách này rất đơn giản mà lại an toàn. Bạn chỉ cần ngâm và rửa sứa với nước muối bão hòa thật nhiều lần. Bạn rửa tới khi nếm miếng sứa không còn độ mặn nữa là được.

Sau khi sứa đã hết mặn và chuyển sang màu hồng hoặc vàng nhạt thì bạn vớt ra, rửa qua với nước ấm, để ráo.

Bạn nào không chịu được mùi tanh của sứa thì có thể giã thêm ít gừng tươi cho vào rửa với sứa.

Sứa ráo nước thì bạn cho vào âu, uớp thêm 1-2 thìa cà phê dầu mè và ¼ thìa cà phê bột nêm, ướp khoảng 10-15 phút.

Bước 2: Cách Làm Nộm Sứa – Sơ chế các nguyên liệu khác

Trong thời gian chờ sứa ngấm gia vị, bạn tranh thủ sơ chế những nguyên liệu còn lại nhé.

Cà rốt và dưa leo bạn rửa sạch, bào sợi mỏng. Hành tây cũng rửa và thái mỏng nhưng để khử mùi hăng và giữ hành trắng giòn thì bạn nhớ ngâm sơ qua tí giấm đường.Cách Làm Nộm Sứa Tươi Mát Cho Ngày Hè Nóng Nực

Lá chanh và ớt bạn rửa sạch rồi thái chỉ. Húng quế, tía tô, giá đỗ..rửa sạch, để ráo.

Sả bạn rửa rồi tước sợi mỏng, cho vào phi vàng với dầu cho thơm.

cách làm nộm sứa

Lạc và vừng bạn có thể mua loại rang sẵn cho tiện. Nhưng nếu có thời gian, bạn có thể mua lạc với vừng tươi về tự rang cho mới và thơm hơn nhé. Bạn hãy giã nhẹ lạc cho vụn vừa phải nhé.

cách làm nộm sứa

Bước 3: Pha mắm trộn nộm

Công Thức Pha Nước Trộn Nộm Sứa Ngon Hết Sảy - Thật Là Ngon

Đối với các món nộm thì mắm trộn được xem là một phần linh hồn. Thế nên, pha được nước trộn nộm ngon là bạn đã thành công một nửa rồi. Công thức cũng đơn giản thôi.

Bạn cho nước mắm, đường và nước cốt chanh (tỉ lệ 2:2:1) vào bát khuấy cho gia vị tan vào nhau. Sau đấy bạn thêm tỏi và ớt băm vào trộn đều là xong.

Phần tỏi ớt, tùy khẩu vị mà bạn gia giảm lượng cho vừa miệng nha.

Bước 4: Cách Làm Nộm Sứa – Hoàn thành

Sau khi chuẩn bị xong các thứ, bạn cho sứa và các nguyên liệu đã chuẩn bị vào âu, rưới mắm gỏi, trộn đều rồi bày lên đĩa. Cuối cùng bạn rắc lạc rang và vừng lên trên là món gỏi sứa đã sẵn sàng để thưởng thức.

197002098 4840037026091143 3528151538189539770 n

Nộm sứa giòn sần sật, đượm vị xúc cùng với bánh phồng tôm hoặc bánh tráng (bánh đa) nướng thì ngon phải biết luôn ấy!

Những công thức nộm sứa khác

Như đã nói, nộm là món mà mình có thể linh động về các nguyên liệu trộn kèm, thế nên không có gì lạ nếu có ngàn lẻ một phiên bản nộm sứa để chúng mình tham khảo. Các bước cơ bản tuy không đổi nhưng chỉ cần thay một ít nguyên liệu là món nộm đã cho vị hơi khác rồi đấy.

Cách làm nộm sứa xoài xanh chuối chát

Nếu vào miền Trung, bạn sẽ hay gặp nộm sứa kiểu này. Người Trung trộn gỏi thường chỉ dùng sứa, xoài chua xanh, chuối chát (một số nơi sẽ thay bằng quả vả), lạc rang nguyên hạt và rau húng.

Vào những ngày hè, vị xoài xanh chua chua giòn giòn quyện với vị sứa mát lịm, thêm chuối chan chát và lạc rang béo bùi. Đảm bảo sẽ đánh bay cái oi bức của mùa hè nồng nực.

cách làm nộm sứa

Cách làm nộm sứa hoa chuối

Nếu nhà bạn có người lớn có tiền sử bệnh mỡ trong máu, tiểu đường hoặc các bệnh về dạ dày thì không thể bỏ qua món nộm sứa hoa chuối hoặc nộm chuối xanh giàu chất xơ nhé.

Ngoài ra, hoa chuối còn có tác dụng kích sữa nên các mẹ ở những tháng cuối thai kỳ có thể thêm vào thực đơn của mình nha. Tuy nhiên, do sứa có tính hàn nên mẹ nào đang nuôi con nhỏ thì món nộm này lại không thích hợp, sẽ khiến em bé nhà bạn bị tiêu chảy đấy.

cách làm nộm sứa

Cách làm nộm sứa tai lợn

Với những bạn thích gia tăng độ giòn sật thì có thể thêm tai lợn luộc cho món nộm sứa.

Cách Làm Nộm Sứa Tai Lợn Giòn Ngon

Ngoài những nguyên liệu ở công thức chính, bạn chuẩn bị thêm một ít khế chua thái lát, khoảng 200 g tai lợn luộc và ít rau kinh giới để tăng hương vị cho món nộm nhé.

Các bước làm nộm sứa bạn làm như chúng mình đã giới thiệu ở trên. Riêng tai lợn bạn mua về, rửa và cạo lông thật sạch sẽ. Sau đấy, bạn chà chanh hoặc bóp sơ tai lợn với một ít giấm rồi rửa lại. Khi luộc tai lợn, bạn nhớ thêm vào nước một ít gừng giã và 1 thìa canh rượu trắng để khử mùi.

Sau khi luộc chín, bạn ngâm tai lợn trong nước đá hoặc cho vào tủ lạnh khoảng 30 phút – 1 tiếng để tai lợn nguội nhanh và giữ độ giòn rồi thái mỏng, trộn vào với nộm sứa.

Vì hơi mất thời gian thế nên bạn nên chuẩn bị tai lợn trước khi trộn nộm để sứa không bị tan nước nhé.

Bảo quản sứa đúng cách

Sứa là món ăn theo mùa, ngày trước chỉ đến mùa sứa bạn mới tìm được món này. Bây giờ thì bạn có thể dễ dàng tìm được sứa ngay cả khi trái mùa ở các siêu thị hoặc các cơ sở chuyên sơ chế biến sứa dưới dạng sứa khô.

Tuy nhiên nếu bạn mua được mẻ sứa tươi ngon, muốn để dành ăn dần thì có thể tham khảo những cách sau nhé.

Cách đầu tiên, đơn giản nhất là bạn ngâm sứa vào nước muối loãng. Cứ 300 g sứa thì bạn ngâm với nước muối theo tỉ lệ 50 g muối hạt và 1 lít nước sôi nguội. Nếu ngâm nhiều sứa hơn, bạn cứ theo tỉ lệ này mà nhân lên nhé. Bạn nên dùng hũ sành hoặc hũ thủy tinh có nắp đậy kín để ngâm sứa cho sạch sẽ nha. Sứa ngâm bạn có thể bảo quản được từ 1-2 tháng ở nhiệt độ phòng (25-30˚C).

Cách thứ hai là muối ráo sứa, phương pháp này có thể giúp bạn bảo quản sứa lâu được cả năm. Sứa sau khi làm sạch bạn để ráo rồi cho vào hũ sành. Cứ xen kẽ một lớp sứa một lớp muối. Lớp trên cùng trước đậy nắp bạn rải lớp muối dày một tí rồi đậy chặt nắp. Nếu ăn thường xuyên, bạn có thể muối sứa vào những hũ nhỏ vừa ăn 1 bữa, để tránh hơi gió làm hỏng phần còn lại khi mở nắp.

Cách làm nộm sứa - Bảo quản sứa đúng cách

Cách cuối cùng là phơi cho sứa róc nước để làm sứa khô, cách này bảo quản được lâu nhất.

Một số vùng ở phía Bắc lại có cách bảo quản sứa rất thú vị đó là muối chua. Bằng cách ngâm sứa với các loại nước lá sung, nước vỏ cây trang hoặc nước lá cây men sứa… Phương thức này giúp giữ lại lượng nước trong mình sứa nên khi ăn bạn vẫn cảm thấy sứa vừa mọng vừa giòn.

Món sứa đỏ Hải Phòng nổi tiếng mà nhiều bạn mê tít cũng được ngâm bằng cách này đấy. Người ta dùng vỏ sú vẹt ninh nước vôi trong, giã nhuyễn rồi đem ủ lên men với sứa. Tầm  5-7 ngày là mang ra dùng được. Sứa sau khi ngấm nước men cho màu đỏ sậm rất hấp dẫn, ăn kèm đậu phụ rán chấm mắm tôm thì ngon nhức răng bạn ạ.

cách làm nộm sứa

Nhưng dù sao, để giữ được đầy đủ hương vị thì chúng mình vẫn nên ăn sứa theo mùa và dùng tươi nhé.

Cách Làm Nộm Sứa – Lượm lặt những thông tin thú vị

Sứa có tính hàn, mát lại giàu selenium – một chất chống oxy hóa mạnh nên rất tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, hàm lượng đạm thấp cùng lượng collagen dồi dào có trong sứa cũng là lý do để nó được rất nhiều chị em lựa chọn để đưa vào thực đơn của mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với loại thực phẩm này, đặc biệt là trẻ em. Trẻ dưới 8 tuổi hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh, sức đề kháng còn kém nên các món ăn chế biến từ sứa sẽ không thích hợp với bé.

Những người dị ứng hải sản, mới ốm dậy, có cơ thể suy nhược hoặc từng bị ngộ độc thực phẩm cũng không nên dùng sứa biển. Một số người cơ địa mẫn cảm có thể dị ứng với cả sứa sau khi đã nấu chín.

Một vấn đề khác cũng khiến nhiều người quan ngại là trong quá trình chế biến mọi người thường dùng phèn chua ngâm sứa để khử độc. Hợp chất này trong hóa học gọi là nhôm kali sunfat được cho phép sử dụng như một chất phụ gia tuy nhiên một số người lo ngại liệu nó có thẩm lưu lại trong sứa và gây hại cho sức khỏe hay không?

Nếu hàm lượng nhôm tích tụ trong cơ thể một thời gian dài quá cao, nhẹ thì gây viêm ruột, nặng có thể trở thành nguy cơ dẫn đến bệnh Alzheimer. Thế nên, nếu điều kiện cho phép, khi xử lý sứa bạn nên hạn chế sử dụng phèn chua nhé.

 

cách làm nộm sứa

Nhận biết ngộ độc sứa

Nếu độc tố trong sứa chưa được khử sạch thì khi ăn chúng ta có thể bị ngộ độc.

Tùy cơ địa mỗi người sẽ có biểu hiện khác nhau. Nhẹ thì ngứa ran các chi; chảy nước mắt nước mũi; vã mồ hôi. Nghiêm trọng hơn thì phát ban, nổi mề đay từng vùng hoặc toàn thân; phù Quincke (phù cục bộ trên da hoặc dưới bề mặt da) ở vùng mắt, môi, mặt, thanh quản gây phù nề trong dẫn đến khó thở. Rồi thì tim đập nhanh, hạ huyết áp, ho khan, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Khi gặp những biểu hiện sốc phản vệ như thế này thì cần lập tức đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, tránh để nguy hiểm đến tính mạng.

Ăn sứa bảo vệ môi trường

Nghe có vẻ vô lý nhưng thưa các bạn, sứa đã trở thành một mối đe dọa cho sự sống ở đại dương khi Trái Đất ngày càng nóng lên do biến đổi khí hậu.

Khác với các loài sinh vật khác, sứa phát triển và sinh sản mạnh mẽ hơn khi nhiệt độ tăng lên. Sự tăng trưởng quá mức của loài động vật này đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như thay đổi hệ sinh thái biển và là vật trung gian có thể xảy ra của các loại ký sinh trùng cá khác nhau.

Đó là những tác hại có vẻ vĩ mô và dường như chỉ liên quan đến thế giới dưới nước, nhưng sự bùng phát của sứa cũng gây cả những thiệt hại trực tiếp và rõ rệt tới con người. Ví dụ như nhiều trung tâm du lịch ven biển phải đóng cửa do sự có mặt tràn lan của sứa hay cản trở sự đánh bắt các loại cá đại dương khác. Quá nhiều sứa còn là nguyên nhân gây đóng cửa các nhà máy điện ở Úc, Mĩ, Scotland,… hay làm vô hiệu hóa tàu chiến hạt nhân của Mỹ.

cách làm nộm sứa

Do vậy, nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên và sứa tiếp tục thỏa sức sinh sản và nhân lên thì sự sống của mọi sinh vật đều sẽ bị đe dọa, bao gồm cả con người chúng ta. Và một giải pháp đơn giản nhất để làm giảm “dân số” của loài động vật trong suốt này chính là ĂN nó!

Ngoài ra, việc tiêu thụ sứa như một loại thực phẩm cũng góp phần giảm nhẹ áp lực cho chăn nuôi các loài gia súc, gia cầm, thủy hải sản khác. Từ đó cũng giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường của những hoạt động này.

Quả là không ngờ việc ăn sứa vừa ngon, vừa mát, lại còn mang tới thật nhiều lợi ích cho toàn cầu như vậy các bạn nhỉ!

Vậy chần chừ gì nữa mà không “xử” ngay món sứa này nhỉ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZALO: 0856665375
Kênh liên hệ khác!
Gọi ngay cho chúng tôi!