Bánh tráng nước dừa, bánh cốm, bánh nổ, bánh hồng, bánh nướng đều là những loại bánh truyền thống xứ nẫu Bình Định làm từ hạt gạo, nếp ngự gọi là hạt ngọc đất trời kết tinh quyện với vị ngọt của đường, vị béo của nước cốt dừa, vị thơm của lúa, gừng xay nhuyễn tạo thành.
Bánh tráng nước dừa Tam Quan trường tồn cùng thời gian
Phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định không chỉ là “thủ phủ” dừa của miền Trung mà còn là nơi sản xuất những chiếc bánh tráng nước dừa thơm ngon cung cấp cho thị trường cả nước. Bánh tráng dừa Tam Quan nổi tiếng từ bao đời nay là niềm tự của vùng đất sứ nẫu Bình Định, là món quà ân tình mà người Bình Định tặng người thân, bạn bè.
Bánh tráng nước dừa Tam Quan thương hiệu Sachi được sản xuất theo công nghệ hiện đại, bánh cắt nhỏ gọn tiện lợi |
Bánh tráng dừa Tam Quan có vị thơm ngon đặc biệt, khác biệt hơn so với những nơi khác. Bánh có vị thơm, ngon, béo ngậy của hạt gạo cùng nước cốt dừa quyện tạo thành. Cách làm bánh tráng dừa Tam Quan cũng giống như ở các nơi khác, nhưng nguyên liệu làm bánh lại làm nên sự khác biệt đặc trưng của nó chính là gạo. Gạo sau khi được xay đem trộn với nước cốt dừa cùng xác dừa rồi thêm vào một ít mè, ít tiêu xay, vài củ hành tím xắt lát thật mỏng, một chút xíu muối, sau đó đem đi tráng trên bếp trấu nóng.
Sản xuất bánh tráng nước dừa theo dây truyền máy móc |
Khi bánh chín thì mang ra phơi nắng khoảng một ngày là ra thành phẩm. Khác với các loại bánh tráng ở những vùng miền khác, bánh tráng nước dừa Tam Quan có kích thước to hơn hẳn và được tráng thành lớp dày. Do bánh quá dày nên không thể nhúng nước ăn mà phải nướng.
Trước lúc nướng thì bánh dày, dai, cứng nhưng khi nướng lên bếp than gặp lửa, được lật đều đặn đạt đến điểm chín bánh sẽ phồng lên vàng ươm, mùi hành quyện với mùi béo của mè và nước cốt dừa bánh trở nên rất giòn, thơm, ngon béo ngậy kích thích vị giác đến tận cùng. Bánh có thể ăn không hoặc ăn kèm với nước chấm như xì dầu, nước mắm gừng đều rất ngon.
Những vỉ bánh tráng nước dừa phơi khô |
Nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, phường Tam Quan của thị xã Hoài Nhơn có nhiều làng nghề nổi tiếng, trong đó có làng nghề làm bánh tráng nước dừa. Không chỉ là bánh truyền thống mang đậm hương vị địa phương mà còn chứa đựng nhiều tâm huyết của người con xứ dừa. Hiện nay làng nghề bánh tráng nước dừa Tam Quan được phục hồi với hơn 400 hộ, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân địa phương.
Bánh cốm, bánh nổ mang hương lúa sứ nẫu
Bình Định nổi tiếng với loại bánh cốm, bánh nổ. Hai loại bánh này vừa có điểm giống nhau nhưng vẫn có nét riêng biệt. Chúng là hai loại bánh khác nhau với hai tên gọi khác nhau tuy có nhiều điểm chung.
Bánh nổ làm từ nếp ngự Hoài Nhơn |
Bánh cốm và bánh nổ đều làm từ gạo, nếp ngự được cho vào nồi đồng rang khô bung nổ tan trên bếp lửa, khi ngửi thấy mùi thơm nồng hương lúa là lúc hạt gạo, hạt nếp đã chín.
Bánh nổ nếp ngư thương hiệu Sachi |
Với bánh nổ làm từ nếp ngự được phơi cất kỹ càng, khi rang nổ to, bung trắng ngần. Thưởng thức loại bánh này, những hạt nếp ngự thơm lừng hương lúa nếp tan nhanh trong miệng sẽ làm say lòng người và cảm nhận vị ngọt thanh của lúa nếp mới không phải chỉ là vị ngọt của đường kết thành.
Rang hạt nếp nổ tung trên lò than hồng |
Nói về nghề làm bánh nổ của gia đình, Bà Nguyễn Thị Ký -62 tuổi ở khối 8, phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, Chủ cơ sở bánh nổ Sáu Chiến- Công ty TNHH Sachi Nguyễn chia sẻ bí quyết tạo nên vị thơm ngon của bánh nổ: Gia đình tôi làm nghề bánh nổ truyền thống đã 30 năm rồi. Đây là nghề gia truyền của gia đình đến nay các con tôi tiếp tục kế nghiệp. Yếu tố quyết định làm nên chiếc bánh nổ thơm ngon là nếp ngự. Nếp được rang trên lò than để nguyên vỏ, nếu xay tách hạt và trấu riêng thì bánh sẽ không thơm ngon nồng đượm mùi lúa nếp. Nước đường nấu xên đặc cho gừng xay nhuyễn hoặc cho thêm nước cốt dừa trộn vào. Sau đó hạt nếp nổ bung cho vào quyện với đường sẽ cho ra thành phẩm loại bánh nổ vừa thơm ngon của vị lúa nếp, gừng, nước cốt dừa vừa đậm đà tinh khiết mà không có hóa chất, chất bảo quản độc hại cho sức khỏe. Mỗi ngày tôi làm 25 bao lúa, mỗi bao 5kg, vào dịp tết số lượng tăng gấp đôi ngày thường.
Bánh cốm truyền thống làm từ hạt gạo |
Còn với bánh cốm làm từ hạt gạo được rang bằng kỹ thuật tạo áp suất, gây tiếng nổ “đùng” làm hạt gạo nở bung, sau đó trộn gia vị đường xên gừng, cắt thành từng thanh và cho vào bao bảo quản.
Mảng bánh cốm lớn cắt ra thành khoanh nhỏ |
Nguyên liệu làm nên hương vị ngọt thanh của bánh cốm vẫn là hạt gạo và đường xên gừng kết quyện thành. Ông Quảng Thanh Phong – Chủ cơ sở sản xuất bánh cốm – kẹo Phong Nga ở thôn Xuân An, xã Cát Tường, huyện Phù Cát chia sẻ: Gia đình tôi làm bánh cốm đã hơn 20 năm. Sau những năm làm bánh tôi vẫn giữ chất liệu làm bánh từ hạt gạo, bây giờ có thêm gạo lứt dành cho những người ăn kiêng. Muốn bánh thơm ngon phải chọn nguyên liệu hạt lúa mới, đường xên đặc, gừng thơm xay nhuyễn. Những loại bánh này đều làm thủ công là chính, giá thành rẻ ai cũng có thể mua thưởng thức.
Khoanh bánh cốm dài sau khi cắt |
Bánh hồng không thể thiếu trong dịp hiếu hỉ, lễ, tết
Bánh bồng cũng làm từ những hạt gạo nếp ngự tinh túy của vùng đất Hoài Nhơn. Gạo trước khi xay thành bột phải được vo thật sạch không còn chất bọt bẩn nổi lên. Vì nếu không làm sạch gạo nếp, bánh sẽ rất nhanh hư, bởi loại bánh này chỉ ăn được trong vòng 5 ngày kể từ ngày sản xuất ra lò đầu tiên.
Bánh hồng làm từ nếp ngự |
Xay gạo nếp thành bột rồi trộn cùng với nước đường xên đặc, nước cốt dừa tươi nhào bột bằng tay kết thành mảng bánh dính quyện lại với nhau cuối cùng là phủ lên lớp bột khô trắng xóa. Loại bánh này thường hay có trong các dịp hiếu hỉ, lễ, tết. Trên các mâm bánh cúng gia tiên, giỗ người thân trong gia đình người Bình Định thường không thể thiếu món bánh hồng truyền thống.
Bánh hồng được phủ lên lớp bột khô |
Nói về loại bánh hồng, bà Nguyễn Thị Đức – Chủ cơ sở sản xuất bánh Minh Đức, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn cho biết: Bánh hồng không bảo quản được lâu, nên khi làm bánh phải vo gạo nếp thật kỹ, nhiều khi vo đến 20 lần thay nước mới trong. Nước vo gạo trong là gạo đã sạch thì bánh sẽ để được 5 ngày do bánh làm từ gạo nếp, đường, nước cốt dừa nguyên chất, không có chất bảo quản nên không để lâu. Ngay cả làm phục vụ khách mua bánh ăn tết cũng chỉ làm từ 27, 28, 29 tết để cúng ông bà tổ tiên là vừa.
Bánh hồng bỏ vào khuôn làm phục vụ tết |
Bà Đức tiếp lời: Nhưng năm nay có dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất bánh cũng hạn chế, không dám làm nhiều như trước. Năm 2020, quy mô sản xuất, kinh doanh của cơ sở chúng tôi giảm tới 70 – 90% so với những năm trước. Trước đây cơ sở có tới 10 nhân công, tiêu thụ 500kg nếp/ngày thì nay chỉ còn 100kg nếp/ngày. Hiện nay, cơ sở chỉ sản xuất các loại bánh: Phu thê, bánh hồng, bánh củ mì nướng để phục vụ đám cưới, tiệc, đám giỗ. Với vụ bánh cho tết Tân Sửu 2021, chúng tôi chuẩn bị lượng nguyên liệu như mọi năm. Nếu tình hình yên ổn, không có dịch bệnh việc sản xuất sẽ như mọi năm.
Đến nay, người Bình Định vẫn thích thưởng thức những loại bánh truyền thống mặc dù trên thị trường có rất nhiều loại bánh thượng hạng khác. Những loại bánh này, mẫu mã hơi đặc biệt, không đẹp mắt, rẻ tiền nhưng ăn vào tan nhanh trong miệng phảng phất mùi thơm lúa mới quyện với mùi nước dừa, gừng cay đậm đà, ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên cái vị mộc mạc, chân chất như con người Bình Định.
👉 Link shopee: https://shopee.vn/sachi665375
👉 Link sendo: https://www.sendo.vn/shop/banh-trang-sachi
👉 Link Lazada: https://www.lazada.vn/shop/banh-trang-sachi-viet-nam
👉 Link Tiki : https://tiki.vn/cua-hang/banh-trang-sa chi