Mùa đông đến, còn món nào hấp dẫn hơn đồ nướng và lẩu đây? Thế nên để bắt kịp thời tiết, Sachi Nguyễn phải chia sẻ ngay với bạn công thức cách nấu lẩu hải sản của chúng mình rồi.
Khi trời trở lạnh thì các món nóng luôn là thực đơn được hầu hết mọi người ưu tiên rồi. Buổi sáng thì có phở bò, bún ốc,… nửa chiều có thể dặm bụng với ổ bánh mỳ xíu mại thơm lừng. Vậy thì buổi trưa, buổi tối, đặc biệt là cuối tuần còn món nào hấp dẫn hơn lẩu nữa cơ chứ!
Lẩu là món nấu vừa dễ vừa khó. Dễ vì không có quá nhiều công đoạn nhưng khó là làm sao để nước lẩu ngon, đậm đà và vừa miệng cả nhà. Vậy nên, các món càng đơn giản, muốn ngon bao giờ cũng cần thêm chút bí quyết bỏ nhỏ. Mà Sachi Nguyễn thì lúc nào cũng sẵn sàng để chia sẻ với các bạn.
Vậy bạn còn chờ gì mà chưa xắn tay vào bếp với chúng mình?!!!
Cách Nấu Lẩu Hải Sản Kiểu Thái
Nguyên Liệu
- 300 g tôm
- 300 g mực
- 300 g phi lê cá
- 300 g nghêu (ngao)
- 150 g nấm sò
- 250 ml nước cốt dừa
- 650 ml nước
- 2 thìa canh nước cốt me
- 2 thìa canh ớt chưng
- 3 thìa canh nước mắm
- 15 g đường thốt nốt
- 30 g ớt
- 30 g sả
- 50 g riềng
- 5 g lá chanh thái
- Bún tươi/mỳ tôm
- Rau ăn kèm: cải cay, rau mầm, rau nhút, bông điên điển, dọc mùng…
Dụng Cụ
-
Nồi nấu lẩu
-
Cồn khô (nếu dùng nồi dã ngoại)
Hướng dẫn
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Các loại hải sản mua về, sơ chế sạch sẽ.
-
Riêng nghêu mua về thì cần ngâm trước cho nhả cát và chất bẩn.
-
Riềng, sả, ớt thái lát. Lá chanh vò, xé nhỏ.
Bước 2: Chế biến nước lẩu
-
Đập dập tỏi, phi thơm rồi cho đầu tôm vào nấu để lấy nước dùng.
-
Cho nước dừa vào đun cùng nước dùng tầm 2 phút rồi thêm riềng, đun thêm một lúc cho dậy mùi. Cho tiếp sả, ớt chưng, đường, và nước mắm vào đun tiếp. Khuấy đều nhẹ tay.
-
Khi nước sôi, nêm nếm thêm cho vừa ăn rồi cho tiếp ớt, nấm,lá chanh vào đun thêm 1-2 phút. Sau cùng cho thêm nước cốt me để tạo vị chua cho nước lẩu.
Bước 3: Làm nước chấm
-
Ngò rí, rễ ngò, tỏi, ớt, đường thốt nốt, nước cốt chanh cho vào cối xay/giã.
-
Cho tiếp nước mắm và tiếp tục giã/ xay nhuyễn là hoàn thành.
-
Nước cốt chanh, nước mắm và đường bạn pha theo tỉ lệ 5:5:1, các thành phần khác có thể gia giảm tùy theo khẩu vị.
Bước 4: Hoàn thành – thưởng thức
-
Lẩu ăn nóng kèm bún, mỳ… tùy ý.
Nutrition
Cách nấu lẩu hải sản chi tiết
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đối với lẩu nói chung, đặc biệt là lẩu hải sản thì độ tươi ngon của nguyên liệu quyết định một nửa sự thành công của món ăn. Thế nên bỏ túi vài mẹo nho nhỏ khi chọn hải sản là việc rất cần thiết.
Tùy vào sở thích mà bạn có thể chọn mua nhiều loại nguyên liệu khác nhau và điều chỉnh tỉ lệ khối lượng nhé, nhưng về cơ bản thì lẩu hải sản thường có tôm, mực, nghêu, cá.
Khi mua tôm bạn nên chọn những con búng “tăng động” một chút, vỏ còn trong màu, căng bóng, không bị nhớt, khi dùng tay ấn dọc thân vỏ không bị bủm vào. Hơn nữa, tôm có rất nhiều loại, tùy vào mục đích sử dụng mà bạn chọn mua cho phù hợp.
Ví dụ tôm thẻ hoặc tôm he, hai loại này có vỏ mỏng mềm, khi chín có màu cam gạch bắt mắt rất hợp để ăn lẩu mà không cần phải lột vỏ. Về phần tôm càng xanh hoặc tôm sú, thịt nhiều nhưng vỏ khá cứng, sẽ thích hợp với các món nướng hơn. Nếu muốn dùng nhúng lẩu thì bạn nên lột vỏ, lấy gân trước.
Khi sơ chế tôm, bạn rửa sạch bẻ đầu, rút chỉ tôm, lột vỏ (nếu cần) giữ lại để tận dụng nấu nước lẩu nhé.
Phần gân chỉ đen, với tôm đã lột vỏ bạn có thể xẻ lưng rút chỉ rất dễ dàng. Tôm nõn xẻ lưng khi nấu sẽ co lại như cúc áo trông rất xinh, góp phần tăng tính thẩm mỹ cho món lẩu của bạn.
Nhưng nếu không lột vỏ thì làm sao để rút chỉ tôm?
Cách thứ nhất, bạn ngắt đầu rồi dùng tay rút sợi chỉ đen một cách từ từ cho đến hết chiều dài.
Cách thứ hai, bạn gập cong con tôm, ở vị trí khấc giữa đốt đầu tiên và đốt thứ 2 (nếu lấy ở phía đầu tôm), hoặc khấc cuối và kế cuối (nếu lấy phía đuôi), hoặc khấc chính giữa mình tôm; dùng tăm xiên qua thịt tôm và kéo sợi chỉ lên rồi rút ra từ từ là xong.
Đối với mực, tùy mùa bạn có thể mua mực ống hoặc mực cơm. Những con mực tươi ngon thường dầy “cơm”, ấn vào chắc thịt, mình trơn bóng và khi sờ vào xúc tu thì có độ dính.
Mực mua về, với mực ống thì bạn rút ruột bỏ túi mật và cắt khoanh. Bạn nào khéo tay có thể tạo hình để nồi lẩu trông bắt mắt hơn nữa. Còn mực cơm khá nhỏ nên bạn chỉ cần rửa sạch là được.
Về phần cá, bạn chọn tùy theo sở thích nhé. Với những loại cá to, thay vì cắt khoanh như thông thường thì mình hay lóc phi lê để lọc xương và dễ gắp hơn khi ăn. Một số loại cá nhỏ có theo mùa như cá kèo, cá linh,… thì bạn có thể nhúng lẩu nguyên con.
Riêng với nghêu (ngao), bạn nên chọn những con vỏ bóng, không chảy nhớt, những con còn sống thò “lưỡi” khi sờ vào sẽ thụt vào vỏ.
Tối kỵ chọn những con nghêu há miệng vì thường sẽ là những con đã chết. Nghêu chết không chỉ tạo mùi ngái ảnh hưởng đến hương vị món lẩu mà còn có nguy cơ gây ngộ độc cho người dùng nữa.
Nghêu bạn mua về cần phải ngâm cho nhả nhớt và cát bẩn. Cách ngâm nghêu cũng tương tự như ngâm ốc khi làm nộm hoa chuối ốc cay.
Bạn ngâm nghêu với nước vo gạo, cho thêm ít ớt giã nát, ngâm trong vòng vài giờ (ít nhất 2-3 giờ) cho nghêu nhả hết chất bẩn. Sau khi ngâm, bạn đãi nghêu thêm vài nước cho sạch rồi tách lấy thịt. Bạn nhớ bóp sơ thịt nghêu với chút giấm hoặc nước cốt chanh để khử nhớt và báng bớt mùi tanh.
Một số bạn hay thích để nghêu nguyên vỏ thả lẩu thì đừng quên chà đánh thêm phần vỏ thật kỹ nhé.
Để nước lẩu có vị ngọt thanh, mình cho thêm ít nấm. Bạn có thể dùng nấm sò, nấm rơm, nấm đông cô,… tùy thích, và tốt nhất là dùng nấm tươi.
Lá chanh Thái khi nấu bạn nên xé nhỏ và vò nhẹ một chút để tinh dầu tiết ra nhiều giúp món lẩu dậy mùi hơn. Nếu không mua được lá chanh thái, bạn dùng lá chanh ta thái chỉ cũng được, tuy nhiên mùi sẽ không thơm bằng.
Một trong những nguyên liệu không thể thiếu của lẩu thái là riềng. Bạn rửa sạch riềng, cạo vỏ rồi thái lát.
Ngoài riềng còn có sả, ớt và nước cốt chanh. Sả, ớt bạn cũng rửa sạch và thái lát. Tùy vào mức độ ăn chua, cay mà bạn gia giảm các nguyên liệu gia vị nha.
Bước 2: Chế biến nước lẩu
Tỏi bạn đập dập và phi thơm rồi cho đầu tôm vào đảo chín với chút xíu muối và bột nêm. Tiếp đấy bạn cho thêm nước và nấu sôi khoảng 15-20 phút rồi vớt bỏ đầu tôm để lấy nước cốt ngọt.
Bạn cho nước dừa và nước cốt vào đun khoảng 2 phút, rồi thêm riềng vào đun tiếp 2-3 phút cho dậy mùi. Sau đấy cho lần lượt sả, ớt chưng, đường thốt nốt và nước mắm vào nấu.
Lẩu Thái có 2 kiểu là lẩu nước trong và lẩu nước đục. Cách nấu như nhau nhưng lẩu nước đục sẽ đậm đà hơn nhờ cho thêm nước cốt dừa.
Nước dừa bạn có thể dùng nước cốt dừa tươi hoặc loại đóng hộp đều được. Lưu ý khi dùng cốt dừa tươi, bạn chú ý chỉ khuấy sơ nhẹ. Nếu bạn khuấy nhiều, khuấy mạnh tay nước dừa sẽ tách béo kết thành óc đậu.
Sau khi nước sôi, bạn nêm nếm vừa ăn rồi cho tiếp ớt, nấm, lá chanh vào đun thêm 1-2 phút.
Cuối cùng để tạo vị chua cho món lẩu mình thêm nước cốt me. Thật ra nếu dùng nước cốt chanh thì mùi thơm sẽ cực chuẩn, nhưng khi ăn lẩu, bếp đỏ lửa liên tục thì nước cốt chanh sẽ biến vị đắng. Thế nên mình thay bằng nước cốt me, không thơm bằng nhưng vị chua sẽ đằm hơn.
Nước cốt me bạn có thể dùng loại cốt me lọc sẵn bán ở các chợ hoặc siêu thị. Với loại này thì bạn có thể cho trực tiếp vào nước lẩu mà không cần pha loãng.
Trường hợp có sẵn me tươi, bạn lột vỏ lấy thịt me, cho vào dằm với ½ chén nước rồi lọc lấy nước cốt để nấu lẩu. Me càng chín ngấu thì nước cốt me càng đậm đà, nhưng nhớ phải chọn giống me chua nhé.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn không có sẵn nước dừa thì có thể dùng sữa tươi không đường dành cho nấu nướng để thay thế. Nhưng nếu dùng thì bạn cho vào ở bước cuối cùng với nước cốt me để để sữa không bị tách nước nha.
Bước 3: Làm nước chấm hải sản
Ăn lẩu hải sản Thái thì không thể thiếu nước chấm chua cay đặc biệt của xứ này. Công thức nước chấm này bạn có thể dùng với các món hải sản hấp, nướng đều được nha.
Để làm nước chấm, bạn chuẩn bị cho mình ngò rí, rễ ngò, tỏi, ớt, đường thốt nốt, nước cốt chanh và nước mắm. Nước cốt chanh, nước mắm và đường bạn pha theo tỉ lệ 5:5:1, các thành phần khác có thể gia giảm tùy theo khẩu vị.
Trừ nước mắm, bạn cho các gia vị đã chuẩn bị vào giã/ xay nhỏ. Tiếp đấy cho nước mắm và tiếp tục giã/ xay nhuyễn là hoàn thành.
Bước 4: Cách Nấu Lẩu Hải Sản – Hoàn thành & thưởng thức
Yêu cầu của món lẩu hải sản nước đục kiểu Thái là phải đủ vị chua, cay, béo, mặn và ngọt hòa quyện đậm đà. Màu sắc thiên về gam nóng tươi tắn.
Bạn có thể ăn món lẩu này cùng bún hoặc mỳ tôm kèm rau các loại tùy thích. Vị lẩu sẽ khá giống vị món Tom Yum Thái nhưng ít chua hơn.
Còn gì bằng cuối tuần mưa lạnh, cùng nhau xúm xít quây quần quanh nổi lẩu, phải không? Hy vọng món lẩu hải sản Sachi Nguyễn giới thiệu hôm nay sẽ xuất hiện trên bàn ăn nhà bạn vào cuối tuần nào đó trong mùa đông này.