Chua cay, giòn sật, quá đã cho ngày hè
Cùng Thật Là Ngon khám phá cách làm món chân gà sả tắc giòn sần sật, ngon miễn chê nhé!
Các món ăn vặt làm từ chân gà chưa bao giờ hạ nhiệt trong thực đơn ăn vặt của các “thượng đế”, đặc biệt là món chân gà sả tắc. Tuy nhiên, ăn ở ngoài hàng thì chúng mình thi thoảng cũng hơi e ngại vấn đề vệ sinh thực phẩm.
Vậy tại sao bạn không thử làm tại nhà?
Trời vào hè, cả nhà tụ tập, mời vài người bạn thân thiết, tụm nhau nhâm nhi chân gà sả tắc, nhấp ngụm bia mát lành, tán phét chuyện trên trời dưới bể thì chẳng còn gì bằng.
Nghĩ tới thì phải làm tới thôi! Vô bếp cùng Thật Là Ngon bạn nhé.
Cách Làm Chân Gà Sả Tắc
Nguyên Liệu
Dụng Cụ
-
Hũ đựng
Hướng dẫn
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Chân gà lột màng, cắt móng, rửa sạch. Dùng dao khứa đôi dọc chân gà. Dùng rượu trắng, muối hạt và gừng giã nát, bóp với chân gà để làm sạch và khử mùi rồi rửa sạch, để ráo
-
Sả cắt khúc 3 nhánh, đập dập; còn lại thái nhỏ. Gừng, tỏi, ớt rửa sạch; thái nhỏ. Tắc cắt đôi, bỏ hạt. Lá chanh thái sợi.
Bước 2: Chế biến chân gà
-
Cho gừng, sả cắt khúc và muối vào nồi nước, đun sôi. Cho chân gà vào luộc 3-5 phút cho chín, tắt bếp, vớt ra, ngâm đá lạnh tầm 20 phút. Vớt ra để ráo. Cho vào hộp đậy kín để vào tủ lạnh khoảng nửa tiếng.
Bước 3: Pha nước mắm ngâm chân gà
-
Đun sôi 1 lít nước, cho lần lượt đường, muối, nước mắm và giấm gạo vào nồi nước, khuấy cho tan rồi đun thêm một lúc thì tắt bếp, để nguội.
-
Cho sả, ớt, gừng, tỏi thái nhỏ vào nước mắm đã để nguội, trộn đều.
-
Cho chân gà vào mắm, trộn đều.
-
Xếp chân gà vào hũ, đổ mắm ngập chân gà; ngâm khoảng 3 – 4 tiếng là dùng được.
Bước 4: Hoàn thành món chân gà sả tắc
-
Chân gà ăn không hoặc chấm muối tiêu đều ngon. Có thể dọn thêm lạc rang hoặc củ cải ngâm.. để ăn kèm.
-
Bảo quản chân gà ngâm trong tủ lạnh và sử dụng trong vào 4 – 5 ngày.
Cách làm chân gà sả tắc chi tiết
Bước làm quan trọng đầu tiên quyết định cho mọi món ăn ngon là chọn nguyên liệu ngon và phù hợp. Đặc biệt là với món chân gà sả tắc này, lựa chọn chân gà tươi ngon là khâu tối quan trọng. Ngoài việc chọn mua chân gà ở những cơ sở uy tín, bạn cũng nên bỏ túi vài mẹo nhỏ để lựa được nguyên liệu tốt nhất nha.
Bạn có thể làm món này với chân gà công nghiệp hoặc chân gà ta tùy theo sở thích từng nhà. Nếu thích ăn chân gà nhiều thịt thì bạn nên chọn chân gà công nghiệp rút xương để làm món này. Chân gà ta tuy thịt chắc, nhưng gầy, khi ngâm sẽ bị teo lại khiến mình có cảm giác chân gà bị khô khi ăn.
Nhìn chung, dù là gà công nghiệp hay gà ta, khi mua bạn chú ý lựa những chân gà có màu trắng hồng tự nhiên, ngón nhỏ, hơi cong và gập vào lòng chân gà. Bạn chú ý trên da gà không có các đốm màu tím xanh hoặc đỏ, không có mùi lạ và sờ không bị nhớt nha.
Khi lựa chân gà, đối với loại trông căng đẹp, ngón to mập mạp thì bạn nên lưu ý bóp nhẹ các ngón. Nếu cảm thấy mềm, mất độ dai cứng đặc trưng của chân gà thì không chọn nhé, vì có thể đấy là chân gà đã bị bơm nước nhằm tăng thẩm mỹ và trọng lượng khi bán.
Sau khi mua được những chiếc chân gà ngon nhất thì hãy cùng bắt tay làm món chân gà sả tắc thôi.
Bước 1: Cách Làm Chân Gà Sả Tắc – Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên chúng mình sơ chế chân gà.
Bạn lột sạch màng chân gà, dùng dao hoặc kìm làm bếp cắt hết móng gà rồi rửa sạch. Bạn đừng quên dùng dao khứa đôi dọc chân gà nhé. Bước này sẽ giúp chân gà thấm đều gia vị khi ngâm đấy.
Để khử mùi tanh đặc trưng của gà, bạn dùng rượu trắng, ít muối hạt và gừng giã nát để chà bóp kỹ chân gà, đặc biệt là phần giữa các kẽ ngón. Sau đó, bạn rửa lại lần nữa cho sạch muối và gừng, rồi để ráo.
Trong lúc chờ chân gà ráo nước, bạn sơ chế các nguyên liệu còn lại.
Bạn chia sả làm 2 phần, 1 ít cắt khúc và đập dập, phần còn lại thái nhỏ. Gừng, tỏi, ớt rửa sạch băm nhỏ. Tắc cắt đôi, bỏ hạt. Lá chanh thái sợi.
Bước 2: Chế biến chân gà
Bạn cho gừng, sả cắt khúc, muối vào nồi nước đun sôi lăn tăn rồi cho chân gà vào luộc 3 – 5 phút cho vừa chín tới.
Bạn vớt chân gà ra và ngâm ngay vào nước đá lạnh khoảng 20 phút để chân gà săn lại.
Sau khi ngâm nước đá, bạn vớt chân gà ra để ráo. Tiếp đó, bạn cho chân gà vào hộp có nắp, đậy kín (hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc kín) rồi cho vào tủ lạnh tầm nửa tiếng để chân gà giữ được độ giòn nhưng không bị khô.
Khi luộc chân gà, bạn có thể cho thêm chút nước cốt chanh hoặc giấm để chân gà trắng hơn. Bạn lưu ý, đừng đậy vung khi luộc chân gà nha, tránh chân gà chín quá sẽ mất độ giòn. Nếu muốn tạo màu cho chân gà thì bạn có thể cho thêm chút bột nghệ hoặc bột gấc vào nước khi luộc nhé.
Bước 3: Pha nước mắm ngâm chân gà
Bạn đun sôi 1 lít nước rồi cho lần lượt 6 thìa canh đường, 1 thìa café muối, 6 thìa canh nước mắm và 5 thìa canh giấm gạo vào nồi nước, khuấy cho tan. Bạn đun thêm một lúc thì tắt bếp, để nguội. Bước này sẽ giúp khử bớt độ gắt và mùi của nước mắm và giấm gạo, giúp vị món ăn thanh dịu hơn.
Khi mắm đã nguội hẳn, bạn cho sả, ớt, gừng, tỏi thái nhỏ, tắc và chân gà vào mắm trộn đều. Bạn lưu ý là phải để mắm thật nguội nhé, nếu không sẽ khiến chân gà ngâm bị nhớt, nổi váng và nhanh hỏng. Khi nước mắm còn nóng bạn cho tắc vào sẽ làm nước ngâm bị đắng, thịt chân gà cũng có thể bị chín thêm, làm mất độ giòn ngon của món ăn.
Bạn xếp chân gà xen kẽ gia vị vào hũ, đổ mắm ngập chân gà, đậy kín và cất vào tủ lạnh. Bạn ngâm chừng 3-4 giờ là có thể dùng được, nhưng nếu để qua đêm cho gia vị đượm thì sẽ ngon hơn.
Bước 4: Cách Làm Chân Gà Sả Tắc – Hoàn thành
Những chiếc chân gà hồng hồng giòn sật “ngụm lặn” trong hũ mắm màu cánh gián trong veo; điểm xuyết tắc xanh, sả trắng, ớt đỏ,… tươi màu, dậy mùi thơm thanh dịu. Nếu hũ chân gà của bạn mang tất cả những đặc điểm mình vừa nói thì còn chờ gì mà không tự thưởng ngay và luôn nhỉ?
Chân gà sả tắc chúng mình có thể ăn không hoặc chấm cùng muối tiêu, muối chanh xanh đều ngon nhá. Vì là món ăn chơi nên bạn có thể đơm thêm lạc rang, củ cải ngâm,… để ăn kèm với chân gà nha.
Vài lưu ý nhỏ khi làm chân gà sả tắc
Bảo quản
Hũ/hộp dùng để ngâm chân gà bạn nên tráng qua nước sôi và để tự khô trước khi dùng để khử khuẩn nha. Sử dụng hũ thủy tinh hoặc hũ sành để ngâm chân gà sẽ đảm bảo an toàn hơn hũ nhựa.
Bạn nên bảo quản chân gà ngâm trong ngăn mát tủ lạnh và chỉ sử dụng trong vòng 4-5 ngày sau khi làm thôi nhé.
Bày món
Bạn có thể rắc ít lá chanh thái chỉ lên chân gà khi dọn món để tăng mùi vị của món ăn. Nhưng bạn lưu ý không nên cho lá chanh vào ngâm cùng mắm nha, như thế sẽ khiến chân gà bị đắng đấy.
Khi lấy chân gà, dụng cụ gắp cần được hong khô sạch sẽ, nếu để dính nước lạnh hay dầu mỡ thì chân gà ngâm sẽ bị nổi váng và nhanh hỏng.
Nước chấm ăn kèm chân gà sả ớt
Nếu bạn muốn tăng sự đậm đà cho món chân gà nhưng không muốn dùng muối tiêu để chấm thì có thể làm thêm xốt chấm theo công thức “bao ngon” sau nha.
Để làm nước chấm này, bạn cần chuẩn bị 4-5 quả tắc; tỏi, ớt băm nhỏ, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh sữa đặc; thêm 2 thìa bột nêm và nửa thìa cà phê tiêu nữa nha. Bạn có thể gia giảm các thành phần để phù hợp với khẩu vị của gia đình nhé.
Tắc bạn rửa sạch, bỏ hạt, vắt lấy nước cốt. Bạn thái chỉ vỏ tắc, cho vào bát cùng ớt, tỏi băm nhỏ. Tiếp đến bạn thêm lần lượt đường, tiêu, bột nêm, nước cốt tắc và sữa đặc vào khuấy đều là hoàn thành nước sốt chua ngọt để ăn kèm chân gà rồi.
Đa dạng hóa cách làm món chân gà sả tắc
Ngoài chân gà ngâm sả tắc nguyên bản, bạn có thể sáng tạo chút chút để làm mới món ăn ngon lành này nhé
Chân gà ngâm sả tắc và cóc non
Tương tự như cách làm chân gà sả tắc ở trên, trong phiên bản này, bạn chỉ cần cho thêm cóc non cắt đôi hoặc cắt tư vào mắm, trộn cùng các nguyên liệu như ở bước 3 trong công thức.
Bạn có thể dùng xoài xanh để thay thế cóc non hoặc pha trộn cả hai loại quả đều được nhé.
Cóc non, xoài sẽ giúp vị chua ngọt của món chân gà ngâm đậm đà hơn, lại còn chống ngấy rất hiệu quả nữa. Lượng cóc, xoài bạn có thể điều chỉnh theo sở thích nhé. Dù bạn cho nhiều đến nỗi thành món “cóc non ngâm sả tắc với chân gà” cũng được, chỉ là team “yêu thịt” sẽ không thích điều này lắm thôi.
Chân gà ngâm sả tắc sa tế
Đối với các bạn thích ăn cay thật cay thì phiên bản này dành cho bạn.
Các bước cơ bản bạn thực hiện như công thức ở trên. Đến khâu nấu nước mắm ngâm ở bước 3, ngoài các gia vị chính, bạn cho thêm tương ớt và sa tế khi nấu là được. Lượng tương ớt và sa tế bạn gia giảm tùy theo khẩu vị nha.
Cách làm chân gà ngâm kiểu Thái
Chân gà ngâm kiểu Thái xuất phát từ món gỏi ăn xổi ở vùng Đông Bắc Thái. Nhìn chung cách thực hiện món này tương tự như cách làm chân sả tắc.
Tuy nhiên, người Thái thường dùng chân gà công nghiệp đã rút xương nên khi chế biến món này, người ta sẽ cắt chân gà thành những miếng nhỏ vừa ăn luôn.
Hầu hết các món Thái sẽ nhấn vị chua, cay và thường có mùi riềng rất đặc trưng. Nên ở bước 3, khi làm mắm ngâm chân gà, ngoài các gia vị chính bạn nên cho thêm riềng thái mỏng và thay tắc bằng nước cốt chanh nha.
Cách Làm Chân Gà Sả Tắc – Cách rút xương chân gà
Thường thì mua chân gà rút xương sẵn ở siêu thị sẽ tiện hơn nhưng nếu bạn muốn tự thử thách bản thân bằng một kỹ năng mới như “rút xương chân gà” thì có thể thực hiện theo những bước sau nha.
Bạn cần có kéo sắc và dao nhọn. Bạn có thể rút xương chân gà trước hoặc sau khi luộc nhưng rút xương chân gà luộc sẽ dễ dàng hơn.
Khi chân gà đã được rửa và bóp muối sạch sẽ, bạn luộc chín chân gà rồi để tủ lạnh cho da săn lại như hướng dẫn ở trên. Sau đó, bạn lấy chân gà ra và tiến hành rút xương. Bạn lưu ý là nếu chân gà bị luộc hơi chín quá thì không nên rút xương nha, vì sẽ khiến chân gà bị nát.
Bạn dùng dao nhọn rạch dọc theo cẳng chân gà đến giữa gan bàn chân, rồi rạch dọc theo các ngón chân gà.
Tiếp đến, bạn dùng tay tuốt ngược da gà đến khớp chân thì dùng kéo cắt bỏ xương. Bạn vạch phần da ở ngón để lộ xương ngón, dùng kéo cắt rời rồi gắp các đốt xương ra.
Rút xương chân gà là một việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và độ tỉ mẩn nhưng khi đã quen tay thì sẽ không làm mất nhiều thời gian của bạn lắm đâu.
Vài thông tin thú vị xung quanh món chân gà sả tắc
Theo thông tin công bố của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì 100 g chân gà chứa 226 calo – một con số hơi bự một xíu ha. Tuy nhiên, các nàng đang muốn giảm cân khoan hẵng cau mày nhé.
Tuy hàm lượng calo hơi cao nhưng chân gà cũng chứa lượng lớn protein và collagen rất tốt cho da, chất béo trong chân gà không đáng kể lắm nên các nàng đừng lo nha.
Hơn nữa, trong quá trình chế biến, bạn cũng đã loại bỏ đi một lượng chất béo kha khá trong chân gà rồi. Khác với các phương pháp chế biến như chiên hay nướng, luộc là phương thức tốt nhất giúp chân gà giữ lại mùi vị và các dưỡng chất, đặc biệt là collagen – chất tái tạo độ đàn hồi của da, giúp da tụi mình căng mịn.
Ngoài ra các gia vị dùng để chế biến chân gà sả tắc như gừng, sả, ớt, tắc,… là những gia vị có tính ấm, giúp điều hòa khí huyết, đốt cháy calo, hỗ trợ điều chỉnh cân nặng hiệu quả lắm đấy.
Dù chân gà hơi “bổ” một tí nhưng nếu chúng mình ăn lượng vừa phải, phù hợp với cơ thể thì vẫn rất tốt, phải không nào?
Ở Việt Nam, nếu có thời gian vi vu qua các quán ăn vặt hay quán nhậu, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều menu chân gà đơn giản nhưng luôn được ưa thích như: chân gà nướng, chân gà rang muối, chân gà hấp hành, chân gà trộn thính…
Hoặc một số quán còn cho ra các thực đơn biến tấu kết hợp như: chân gà sốt cay Hàn Quốc, chân gà hấp tàu xì, chân gà thuốc bắc,… để chiều lòng các “thượng đế” thích thử các hương vị mới lạ.
Dù chế biến theo cách nào đi nữa thì các món ăn làm từ chân gà vẫn luôn được các thực khách chào đón và ưa chuộng.
Trên đây team Thật Là Ngon vừa trình bày đến bạn cách làm món chân gà sả tắc, không quá khó để thử phải không nào?
Trong khi xã hội vẫn đang duy trì trạng thái bình thường mới sau dịch, chúng mình ở nhà tự làm các món yêu thích là lựa chọn không tồi đâu nha. Vừa đảm bảo vệ sinh, vừa có thể gia giảm theo khẩu vị của mình.
Những ngày hè hừng hực như này, vừa nhâm nhi chân gà sả tắc tự ngâm, nhấp kèm ly bia mát lạnh là lựa chọn không tồi đâu các tình yêu ạ!